Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 05 năm của Công ty công nghiệp Tàu thủy Dung Quất
CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY DUNG QUẤT MST: 4300338693 Số: /DQS-KHĐT |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Quảng Ngãi, ngày 31 tháng 3 năm 2017 |
I. TỔNG QUAN VỀ CÔNG TY CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY DUNG QUẤT
1. Những sự kiện quan trọng:
- Tên gọi: Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất.
- Tên công ty tiếng nước ngoài: DUNG QUAT SHIPBUILDING INDUSTRY COMPANY LTD
- Tên viết tắt: Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.
- Địa chỉ trụ sở chính: Khu công nghiệp phía Đông khu Kinh tế Dung Quất, thôn Tân Hy, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
- Số điện thoại: (+84-055).3620055 Fax: (+84-055).3611464
- Email: dqs@dqsy.vn Website: http://dqsy.com.vn – http://dqsy.vn
- Quá trình thành lập: Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS) được thành lập ngày 20/02/2006 theo Quyết định số 208/CNT-TCCB-LĐ của Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Ngày 01/7/2010, DQS được chuyển giao nguyên trạng từ Vinashin về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) theo Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 18/06/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin.
- Vốn điều lệ: 3.758.471.000.000 đồng (Ba nghìn bảy trăm năm mươi tám tỷ, bốn trăm bảy mươi một triệu đồng).
- Thông tin chủ sở hữu hiện nay: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Địa chỉ: số 18, phố Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, Việt Nam.
2. Quá trình phát triển
- Chức năng, nhiệm vụ của DQS:
+ Kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn của Chủ sở hữu đầu tư tại Công ty và vốn của Công ty tại các doanh nghiệp khác; hoàn thành các nhiệm vụ khác do Chủ sở hữu giao.
+ Nâng giá trị doanh nghiệp, tăng cường năng lực sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh của Công ty.
- Mục tiêu kinh doanh: Sử dụng linh hoạt, hiệu quả lợi thế hiện có của hạ tầng kỹ thuật, tiếp tục duy trì hoạt động đóng mới, sửa chữa tàu thuyền và phương tiện nổi, khai thác các dịch vụ trong và ngoài ngành liên quan đến sửa chữa/đóng mới tàu, phương tiện nổi, giàn khoan, Tanker, FSO/FPSO,…
- Ngành nghề kinh doanh chính: Đóng mới và sửa chữa tàu thủy, thiết bị, phương tiện nổi, các công trình và phương tiện phục vụ dầu khí và kinh doanh các ngành nghề khác hỗ trợ cho ngành nghề kinh doanh chính,…
3. Định hướng phát triển
- Quan điểm phát triển: Sử dụng linh hoạt, hiệu quả lợi thế hiện có của hạ tầng kỹ thuật, thực hiện tốt công tác cung cấp dịch vụ trong và ngoài ngành để tiếp tục nâng cao uy tín, thương hiệu, hiệu quả sản xuất kinh doanh; hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động sản xuất, bảo vệ môi trường, góp phần vào nhiệm vụ phát triển hạ tầng năng lượng của Tập đoàn, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền Quốc gia; tạo công ăn việc làm, thu nhập của người lao động ngày càng được ổn định, nâng cao.
- Định hướng phát triển: Tăng cường công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư hoàn thiện cầu tàu và một số hạng mục công trình thiết yếu để từng bước chuyển đổi mô hình sang đóng mới các phương tiện phục vụ dịch vụ dầu khí (FPSO/FSO, JACK UP, SEMISUB...).
- Về chiến lược phát triển trung và dài hạn:
+ Phấn đấu đến năm 2025: nhà máy hội tụ đủ năng lực cạnh tranh với các nhà máy đóng tàu trong khu vực, làm chủ được những kỹ thuật đóng giàn khoan và các phương tiện nổi phục vụ thăm dò, khai thác dầu khí.
+ Lấy đóng mới tàu thuyền, FSO/FPSO, giàn khoan, các phương tiện nổi phục vụ thăm dò khai thác dầu khí làm nòng cốt.
+ Nâng cấp và đầu tư bổ sung năng lực máy móc thiết bị và cơ sơ vật chất phù hợp với nhu cầu phát triển của đơn vị.
+ Đảm bảo an sinh xã hội được nâng cao phù hợp với đời sống kinh tế, xã hội của đất nước đến năm 2025.
II. KẾ HOẠCH SẢN XUẤT KINH DOANH VÀ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CÔNG TY CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY DUNG QUẤT GIAI ĐOẠN 2016-2020
1. Mục tiêu tổng quát:
- Tiếp tục thực hiện đóng mới, sửa chữa, hoán cải các loại tàu tanker, FSO/FPSO, các loại giàn khoan, phương tiện, công trình nổi…;
- Tập trung nâng cao khả năng kỹ thuật và cơ sơ vật chất để có thể đóng mới các loại tàu cỡ lớn FSO/FPSO, các giàn khoan và các phương tiện phục vụ thăm dò khai thác dầu khí.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Về xây dựng và phát triển doanh nghiệp: Tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Thông báo số 40/TB-VPCP ngày 25/01/2017 về xử lý tồn tại đối với DQS và của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại Thông báo số 170/DKVN-TCNS-KH-TC ngày 24/01/2017 về triển khai thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành công tác tái cơ cấu theo chỉ đạo của Tập đoàn. Tăng cường công tác đào tạo/thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; các hạng mục công trình thiết yếu nhằm đảm bảo năng lực thực hiện đóng mới FSO/FPSO, các giàn khoan và các phương tiện phục vụ thăm dò khai thác dầu khí. Xây dựng DQS thành một Nhà máy hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả.
- Về sản xuất kinh doanh: Do thị trường đóng mới và sửa chữa đối với các phương tiện nổi truyền thống hiện vẫn chưa phục hồi sau ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng tài chính thế giới từ 2009 nên định hướng thị trường mục tiêu của DQS là sẽ tập trung vào mảng thị trường đóng mới và sửa chữa các phương tiện nổi dầu khí để tận dụng lợi thế về đội ngũ lao động trình độ cao đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế của ngành dầu khí, hệ thống cơ sở hạ tầng của các đơn vị thành viên và sự ủng hộ của tập đoàn dầu khí và các đơn vị thành viên tập đoàn đối với DQS.
+ Trong nước:
Thị trường trong ngành:
· Tiếp tục duy trì mối quan hệ với các đơn vị trong ngành, phấn đấu giữ vững thị phần sửa chữa đóng mới các loại tàu thuyền, phương tiện nổi cho các đơn vị trong ngành.
· Chủ động nắm bắt kế hoạch SXKD hàng năm của VSP để kịp thời tham gia sửa chữa, bảo dưỡng các phương tiện nổi của VSP. Phấn đấu giành được 70% tổng số đơn hàng đóng mới, sửa chữa của VSP như tham gia dự án sửa chữa định kỳ tàu Chí Linh và các tàu dịch vụ, vận tải khác.
· Tiếp tục chủ động và liên hệ với các đơn vị PVTrans, PTSC để tham gia sửa chữa đội tàu dịch vụ, vận tải, phấn đấu đạt 70% tổng số đơn hàng đóng mới sửa chữa của PVTrans, PTSC như dự án đóng mới 08 tàu kéo, lai dắt phục vụ NMLD Nghi Sơn của Chủ đầu tư PTSC, đóng mới sà lan vận chuyển than 10.000 DWT và 2.000 DWT;
· Chủ động tham gia vào các dự án đóng mới hoán cải tàu FSO, FPSO …cho các dự án phát triển mỏ sắp tới như Cá Rồng Đỏ, Lô B của Phu Quoc POC, tham gia chế tạo cơ khí cho các dự án offshore/onshore khác,….
Thị trường ngoài ngành:
· Tiếp tục giữ mối quan hệ với các khách hàng truyền thống, mở rộng khách hàng tiềm năng trong nước, từng bước tiếp cận, tham gia thị trường đóng mới, sửa chữa tàu quốc tế.
· Tiếp tục làm việc với Chủ tàu FGAS, Gas Vernus, … để ký kết được các Hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ đội tàu vận tải LPG, vận tải hàng rời của các đơn vị này. Đồng thời, liên hệ với các đơn vị thành viên của Tổng công ty Xăng dầu Petrolimex như Vipco, Vitaco, Vận tải xăng dầu đường thủy, …. để tìm kiếm cơ hội tham gia sửa chữa đội tàu vận tải xăng dầu.
· Chủ động tìm kiếm và tham gia phân khúc đóng mới, hoán cải các tàu, sà lan vận chuyển than size 10.000 DWT phục vụ các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam, đóng mới tàu vận tải hành khách cho Chủ tàu Biển Việt, tàu kéo, tàu cá, tàu hậu cần cho Chủ tàu tư nhân, ngư dân khác
· Từng bước tham nhập thị trường đóng mới sửa chữa nước ngoài, tiếp tục duy trì mối quan hệ với các bạn hàng, môi giới đã có, phấn đấu giành được tối thiểu 02 đơn hàng đóng mới sửa chữa nước ngoài.
+ Ngoài nước: tìm kiếm cơ hội hợp tác với các công ty khoan quốc tế, các công ty sở hữu tàu tự nâng, các công ty cung cấp dịch vụ ngoài khơi sở hữu các phương tiện nổi như: UMW, Transocean, Seadrill, Shelfdrilling….
- Về an sinh xã hội: đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động ngày càng được ổn định, nâng cao
3. Kế hoạch triển khai
3.1. Về tái cơ cấu, xây dựng và phát triển doanh nghiệp: tái cơ cấu thành công DQS để tiến tới xây dựng DQS thành một đơn vị hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, đủ năng lực hoán cải/đóng mới FSO/FPSO, các giàn khoan và các phương tiện phục vụ thăm dò khai thác dầu khí.
3.2. Về sản xuất kinh doanh: Sử dụng linh hoạt, hiệu quả lợi thế hiện có của hạ tầng kỹ thuật, tiếp tục duy trì hoạt động sửa chữa, khai thác các dịch vụ trong ngành, trong nước, nước ngoài liên quan đến sửa chữa/đóng mới tàu, phương tiện nổi, giàn khoan, Tanker, FSO/FPSO. Lợi nhuận đạt khoảng 5% đối với sản phẩm sửa chữa, 2% đối với sản phẩm đóng mới.
3.3. Về đầu tư xây dựng cơ bản: Thực hiện đầu tư các trang thiết bị cần thiết như hệ thống xử lý chất thải, thi công sửa chữa khắc phục, bảo dưỡng các khu nhà làm việc, đặc biệt là các khu nhà xưởng, nhà kho.... để đảm bảo đủ điều kiện hạ tầng kỹ thuật đóng, sửa chữa tàu, phương tiện nổi, giàn khoan, Tanker, FSO/FPSO tạo thế cạnh tranh và nắm bắt các cơ hội phát triển.
3.4. Về công tác phát triển thị trường:
- Tiếp tục thực hiện cung cấp dịch vụ trong nội bộ Tập đoàn, phát triển thị trường nước ngoài trong đó quan tâm khai thác, cung cấp dịch vụ cho các khách hàng Nga và các khách hàng là Chủ tàu, đại lý tàu, Công ty môi giới.
- Tiếp tục tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các đối tác trong nước, quốc tế trong lĩnh vực đóng tàu, giàn khoan, FSO/FPSO, các công ty khoan quốc tế, các công ty sở hữu tàu tự nâng, các công ty cung cấp dịch vụ ngoài khơi sở hữu các phương tiện nổi như: UMW, Transocean, Seadrill, Shelfdrilling….
3.5. Về công tác đào tạo, việc làm- thu nhập, an sinh xã hội:
- Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực để tăng hàm lượng chất xám đầu tư cho sản phẩm, giờ công hữu ích đạt hiệu quả tối đa; đến năm 2020 phải đào tạo được đội ngũ lao động chuyên nghiệp làm chủ được các công nghệ đóng tàu, sửa chữa tàu, Phương tiện nổi, Giàn khoan, Tanker, FSO/FPSO.
- Tăng cường công tác thu hút nhân tài để bổ sung lực lượng lao động có chất lượng cao mà DQS còn đang thiếu hụt.
- Bố trí đủ việc làm, đảm bảo thu nhập tối thiểu của người lao động và tăng dần qua từng năm trên cơ sở mức gia tăng của sản lượng; xây dựng cơ chế lương thưởng phù hợp theo xu thế phát triển chung của khu vực Miền Trung và Đất nước. Đảm bảo các điều kiện về nhà ở, phương tiện đưa đón, cơ sở văn hóa- giáo dục để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với Công ty.
3.6. Về tài chính: Hoàn thành công tác xử lý tài chính,để đảm bảo DQS hoạt động trong điều kiện tài chính lành mạnh, hội tụ đủ các điều kiện tham gia dự thầu trong nước, quốc tế. Quản trị hoạt động tài chính của đơn vị hiệu quả, đúng quy định.
4. Các giải pháp thực hiện
4.1.Giải pháp về quản lý: Xây dựng áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến hiện đại trong điều hành sản xuất theo tiêu chuẩn công nghiệp của các nước phát triển có cùng lĩnh vực hoạt động nhằm đưa năng suất lao động tiệm cận với năng suất lao động của các nước phát triển.
4.2. Giải pháp về đầu tư: Đối với các hạng mục cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ sản xuất: chỉ xem xét đầu tư các hạng mục cần thiết và khai thác tối đa hiệu quả của tài sản khi đầu tư. Đối với các danh mục đầu tư sản phẩm chiến lược xem xét đầu tư trên cơ sở lợi thế cạnh tranh và khả năng tài chính vững chắc, lành mạnh.
4.3. Giải pháp về tài chính: Xây dựng kế hoạch quản lý dòng tiền của DQS một cách an toàn hiệu quả. Dựa trên tình hình tài chính lành mạnh của DQS và các đơn vị thành viên trên cơ sở các khách hàng tiềm năng truyền thống trong ngành dầu khí, cùng với sự hỗ trợ của Tập đoàn Dầu khí DQS sẽ tìm kiếm sự liên kết với các định chế tài chính trong và ngoài nước để phát triển DQS và thu xếp vốn thực hiện các dự án trên thị trường quốc tế.
4.4. Giải pháp về thị trường: Ngoài thị trường truyền thống là các đơn vị trong ngành dầu khí trong nước DQS sẽ xây dựng chiến lược marketing để tiếp cận với thị trường khu vực và quốc tế, trong ngắn hạn là thị trường về dịch vụ sửa chữa giàn khoan sau đó là liên kết với các định chế tài chính để thực hiện đóng mới các loại giàn khoan, phương tiện nổi khác.
4.5. Giải pháp về nguồn nhân lực: Đào tạo phát triển nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao, lành nghề, có kỹ năng làm việc nhóm và tuân thủ kỷ luật lao động. Luôn duy trì một lực lượng lao động lành nghề để làm nòng cốt thực hiện các dự án. Liên kết phối hợp với các nhà thầu phụ có tiềm lực, các nhà thầu cung cấp nhân lực trong nước, các nhà thầu cung cấp nhân sự quản lý cao cấp ở nước ngoài để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong mọi tình huống sản xuất kinh doanh.
4.6. Giải pháp về khoa học công nghệ: Trong quá trình phát triển sản xuất kinh doanh luôn chú trọng đào tạo lực lượng cán bộ kỹ thuật cao bằng việc liên kết với các đối tác để thực hiện chuyển giao công nghệ. Phối hợp với các Bộ, Ban, Ngành trong nước thực hiện các đề tài dự án nghiên cứu chế tạo áp dụng các giải pháp trong công tác thiết kế chế tạo giàn khoan một cách thiết thực hiệu quả. Khuyến khích sự phát triển sáng tạo cải tiến cách thức làm việc nhằm nâng cao năng suất lao động.
4.7. Giải pháp về an toàn và môi trường: Áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về an toàn và môi trường. Thường xuyên huấn luyện các nhân sự trực tiếp liên quan đến sản xuất về công tác an toàn và môi trường. Đưa các tiêu chí về an toàn và môi trường vào đánh giá kết quả hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh.